Hiệu quả
Những năm qua, công tác tuyên truyền đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống đã được các cấp, ngành quan tâm. Theo đó, các huyện, thị, xã, phường đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cố định, loa di động và mạng xã hội Zalo, Facebook. Mỗi hình thức có cái hay riêng, với hệ thống loa phát thanh cố định đặt ở các khu dân cư, ai cũng có thể nghe, đặc biệt người lớn tuổi, người có điều kiện khó khăn không có thiết bị nghe nhìn với wifi, 3G, 4G hiện đại. Điển hình ở TP. Phan Thiết có 18 xã, phường, trong đó có 3 xã nông thôn mới Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi và 3 phường Mũi Né, Phú Hài, Hàm Tiến đều có các trạm truyền thanh riêng, 11 phường còn lại có các cụm loa phát thanh của Đài Truyền thanh Phan Thiết tiếp phát trải đều trong các khu dân cư.
Tính đến đầu năm qua, Việt Nam có 68,17 triệu người đang sử dụng dịch vụ internet, phổ biến là các mạng xã hội (MXH) như: Facebook, Zalo, Youtube, Instagram… Hầu hết người dân, trong đó có cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt thanh thiếu niên đều có 1 hay nhiều tài khoản MXH. Do đó, việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên MXH đang được xem là hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay. “Lợi thế là kết nối với các nhóm, hội trên Facebook, Zalo của các tổ chức hội, Mặt trận và đoàn thể nên việc xem và chia sẻ thông tin cần thiết đến chị em cũng như nắm bắt dư luận ở địa phương hiệu quả. Từ đó tạo cho công việc của hội hoạt động thông suốt và định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực hơn”, bà Nguyễn Thị Khánh Vân – Chủ tịch Hội LHPN huyện Bắc Bình cho biết.
Bên cạnh đó, sử dụng loa di động cũng rất hiệu quả. Mỗi ngày - nhất là vào thời điểm nguy cấp xảy ra như thiên tai, dịch bệnh hoặc chính sách pháp luật quan trọng người dân cần phải biết... Cán bộ văn hóa xã, phường sử dụng xe máy chở theo một loa thùng phía sau, có gắn USB chứa thông tin, đi vào các ngõ ngách thôn, xóm, thậm chí đồng ruộng - nơi hệ thống loa cố định không thể vươn tới để tuyên truyền. Ở đây, phần lớn người dân sống như cách biệt, ánh sáng pháp luật còn mù mờ. “Sáng đi làm sớm, chiều về muộn, suốt ngày cặm cụi đồng ruộng, nên hỏi tôi về các quy định liên quan chính sách, pháp luật thì tôi không biết rành”, bà Mang Hương, ở một xã miền núi của huyện Bắc Bình nói.
Tất cả hình thức tuyên truyền trên đang vận dụng hết công năng ở mỗi địa phương vì tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, khu phố hoặc hội nghị... không hạn chế đối tượng. Với tuyên truyền qua loa di động chủ yếu ở cấp xã vì nó thiết thực, phù hợp với địa hình cũng như tình hình thực tế của địa phương. Xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong là điển hình, năm qua dịch Covid-19, bộ phận tư pháp – hộ tịch xã phối hợp với cán bộ văn hóa xã đi tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức. Với tần suất phát trên loa phát thanh là 3 lần/ ngày, loa di động 2 lần/ngày đến những điểm dân cư xa như khu vực giáp ranh tỉnh Ninh Thuận. Nội dung tuyên truyền lồng ghép nhiều lĩnh vực bao gồm các quy định pháp luật mới; những vấn đề dư luận người dân, xã hội quan tâm như cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, đất đai, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá... đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19.
Nhưng cần đổi mới
Bên cạnh ưu điểm thì còn nhược điểm, nhất là đối với tuyên truyền trên loa di động. Lâu nay, hầu hết cán bộ văn hóa xã sử dụng xe máy chở loa đi tuyên truyền theo quán tính, cứ chạy đến điểm đã định, rồi trở về điểm xuất phát kể như đã hoàn thành nhiệm vụ. Họ không nghĩ đến chất lượng tuyên truyền, người dân có nghe và nắm được gì qua lần đi. “Những bản tin ngắn, tôi có thể nghe trọn vẹn, nhưng với bản tin có nội dung dài chỉ nghe được phần đầu, còn phần cuối thì không. Nếu anh cán bộ ấy dừng xe lại một chút thì có thể nghe được toàn bộ”, ông Nguyễn Ngọc Dân, ở Hàm Thuận Bắc cho biết.
Những ý kiến ấy không phải là không có cơ sở vì nội dung thông tin tuyên truyền trên loa thường dài, xe chạy không điểm dừng, nên đến điểm nào thì người dân nghe đoạn tin đó, còn đi qua rồi không nghe được gì. Nó giống như nghe được phần đầu thì mất phần cuối.
Để khắc phục yếu điểm này, cần đổi mới phương thức hoạt động. “Trước đây, chúng tôi thường xuyên sử dụng xe loa di động đi tuyên truyền trong các khu dân cư, nhưng nay giảm bớt vì kinh phí eo hẹp... Chúng tôi sẽ thay đổi cách tuyên truyền, đúng là nếu cũng văn bản đó, xe loa cứ chạy thì người ta không hiểu hết đầu đuôi câu chuyện, mà phải ngừng lại để nội dung tuyên truyền được chuyển tải rõ”, Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin một huyện thừa nhận.