Tuy nhiên, đối với trường hợp chủ bỏ trốn hoặc các DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi về BHXH đối với NLĐ trong các đơn vị. Doanh nghiệp nợ BHXH thường được phân rõ 4 loại, đó là: Nợ chậm đóng (có thời gian nợ dưới 1 tháng); nợ đọng (có thời gian nợ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng); nợ kéo dài (thời gian nợ từ 3 tháng trở lên) và nợ khó thu. Nợ khó thu bao gồm các trường hợp: Đơn vị mất tích; đơn vị đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; đơn vị không hoạt động, không có người quản lý, điều hành; đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; đơn vị nợ đang trong thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đơn vị được cấp có thẩm quyền cho khoanh nợ… Tại Bình Thuận hiện có 134 doanh nghiệp phá sản, giải thể, mất tích không còn tại địa chỉ theo giấy đăng ký sản xuất kinh doanh…với số tiền nợ BHXH hơn 9.162 triệu đồng. Cơ quan BHXH đã lập hồ sơ đầy đủ để xác định nợ theo quy định, đồng thời hạch toán số nợ BHYT trên vào khoản nợ khó thu. Tuy nhiên, đến nay cơ quan BHXH các cấp vẫn lúng túng trong việc xử lý, giải quyết quyền lợi cho NLĐ, vì chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định để xử lý dứt điểm khoản nợ khó thu đối với các đơn vị đã mất tích, không hoạt động, giải thể, phá sản. Tất cả các loại nợ nói trên đều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt là NLĐ chịu thiệt thòi nhất sau khi doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, giải thể, bỏ trốn. Bởi, ngoài việc nợ tiền BHXH, còn nhiều đơn vị nợ lương, trợ cấp thôi việc của công nhân. Khi phá sản, doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ xem như khoản tiền công sức nhiều năm mà NLĐ làm việc có nguy cơ bị mất trắng.
Một thực trạng là doanh nghiệp giải thể, phá sản, bỏ trốn, nhưng vẫn đang nợ BHXH, nợ mới chồng lên nợ cũ và nợ ngày càng lớn. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, việc xử lý nợ BHXH, BHTN với các DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn là vấn đề rất phức tạp, tuy đã được nghiên cứu, báo cáo các cấp nhiều lần nhưng vẫn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do chưa có cơ sở pháp lý về nguồn lực cho việc xử lý, chưa có số liệu chi tiết bảo đảm cho việc thực hiện xử lý khi có nguồn lực. Từ đó, xâm hại đến quyền lợi của NLĐ trong các DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn; không bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia; và cũng có thể tạo tiền lệ cho các DN lợi dụng trốn đóng, chậm đóng, không tuân thủ pháp luật về BHXH. Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu và có giải pháp về mặt pháp lý các DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn để xử lý khoản nợ khó thu, nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.