Campuchia: Hợp tác Mekong-Lan Thương đem lại lợi ích lớn cho các nước thành viên

23/08/2024, 21:36

Campuchia cho rằng các nước cần tiếp tục tăng cường nỗ lực thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và phát triển xanh trong khu vực; thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Sok Chenda Sophea đã nêu bật ý nghĩa của cơ chế hợp tác này trong thông cáo báo chí mà Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đưa ra ngày 23/8, sau khi ông tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 9 diễn ra tại Chiang Mai (Thái Lan) vào tuần trước.

screenshot_1724423848.png
Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Thông cáo báo chí cho biết Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên của cơ chế hợp tác này đã đánh giá cao những tiến bộ đạt được trong việc triển khai các kết quả thực chất của Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 4 diễn ra hồi tháng 12/2023 cũng như Kế hoạch Hành động 5 năm Hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương (2023-2027). Các bộ trưởng cũng nhất trí cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương cần duy trì đà phát triển nhanh chóng bằng cách tăng cường hợp tác thiết thực, cùng nhau xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mekong-Lan Thương.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương cũng kêu gọi sự phối hợp giữa cơ chế hợp tác này cùng các sáng kiến khu vực và quốc tế cũng như các chiến lược hợp tác nhằm đạt được tầm nhìn mà Hợp tác Mekong-Lan Thương đưa ra về hòa bình, phát triển và thịnh vượng lâu dài.

Theo thông cáo báo chí, Phó Thủ tướng Sok Chenda Sophea đánh giá cao những kết quả thực chất đạt được từ việc triển khai các dự án tại tiểu vùng sông Mekong theo Quỹ đặc biệt Mekong-Lan Thương kể từ năm 2017 và mong muốn triển khai hiệu quả các dự án mới được phân bổ cho Campuchia.

Phó Thủ tướng Campuchia cũng cho rằng các nước cần tiếp tục tăng cường nỗ lực thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và phát triển xanh trong khu vực, đồng thời thúc đẩy hơn nữa hợp tác nông nghiệp, đặc biệt là với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo.

Ông Sok Chenda Sophea cũng cho biết 6 quốc gia ven sông Mekong (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) cần cùng nhau giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, vấn đề không chỉ đe dọa sức khỏe mà còn đe dọa nền kinh tế, an ninh lương thực, nước và khí hậu của khu vực, đồng thời nỗ lực chung để chống lại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến, tội phạm mạng, buôn người và các hoạt động tội phạm khác.

Các nước nằm trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Cơ chế hợp tác này tập trung vào 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên, cụ thể là kết nối, năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, quản lý tài nguyên nước cùng với nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Bà Harris gây quỹ cho chiến dịch tranh cử gấp 4 lần ông Trump trong tháng 7
Nhóm gây quỹ chính của Phó Tổng thống Kamala Harris hôm qua thông báo, đã gây quỹ được số tiền gấp 4 lần số tiền mà chiến dịch của ông Donald Trump gây quỹ được vào tháng 7 vừa qua.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Campuchia: Hợp tác Mekong-Lan Thương đem lại lợi ích lớn cho các nước thành viên