Cái lạnh tuổi thơ

04/11/2022, 07:06

Ngày nhỏ, những đêm cuối mùa thu trời lạnh buốt, lũ trẻ chúng tôi cứ chiều đến là đi gom những gì bỏ đi mà có thể đốt cháy được như: Lá mía khô, rơm vụn, cỏ khô… để sáng mai thức dậy đốt lửa hơ ấm.

Đống lửa được đốt lên đôi bàn tay nhỏ bé là nơi đầu tiên tiếp xúc với ngọn lửa, xoa xoa rồi áp vào má làm nóng ran cả cơ thể, sảng khoái đến lạ kỳ. Quê hương những ngày cuối thu trời chuyển mùa sang đông, khoảng từ ba giờ trở về sáng là bắt đầu lạnh, cái lạnh làm cho con người thật khó tròn giấc. Thời khắc giao mùa tâm hồn con người đong đầy giao cảm trước thiên nhiên. Đặc biệt với những con người sống xa quê hương cảm thấy nhớ nhung đến nao lòng khi ngồi một mình trong những chiều bâng khuâng, cô quạnh nghĩ về nơi mình sinh ra và lớn lên.

tuoi-tho.jpg

Tôi về thăm quê vào cuối mùa thu, nhìn màu trời u ám, buồn lặng đến tê buốt cõi lòng. Bao nhiêu năm sinh sống và làm việc xứ người, về quê thấy đôi chân mình như chơi vơi trên con đường quen thuộc. Hình như quê mình hôm nay, thời khắc giao mùa khi thu gọi đông về cũng lạnh hơn. Tôi hoài niệm lại những gì hôm nay đã xa tầm tay như con đường làng ngày cũ đã phẳng lì bê tông hóa; khúc sông xưa rộng mênh mông mỗi buổi chiều cuối thu thả câu, giăng lưới bây giờ đã hẹp lại nhiều được tạo thành một dòng chảy xiết hơn. Những căn nhà tranh vách đất, giờ thay bằng mái ngói khang trang hoặc nhà lầu cửa kính bóng loáng, có nhiều nhà cao hai, ba tầng. Vì về thăm quê không được lâu, nên tôi cố níu lấy thời gian, cố giữ lại phút êm đềm của quê hương như giữ ngọn lửa nhỏ sưởi ấm tâm hồn kẻ xa quê sắp tới những ngày mùa đông giá lạnh. Để khi rời quê hương tôi sẽ nhớ lắm mảnh đất thân thương, đã luôn dang tay đón tôi, xoa dịu tôi và ở đó bao bộn bề lo toan vất vả sẽ tan biến khi nghe tiếng mẹ bảo: “Con có đi đâu thăm ai không? Đói chưa, mẹ dọn cơm ăn?”. Bữa cơm đạm bạc cùng ăn với mẹ tưởng chừng như đơn giản trong một gia đình, nhưng với tôi lâu lắm rồi mới được mẹ xới cho một chén cơm. Mẹ nhìn tôi, nước mắt rưng rưng rồi mẹ nói: “Được ngồi ăn cơm với con như thế này là mẹ mừng lắm, nên dù có bận trăm công ngàn việc gì thì lâu lâu chạy về thăm quê, ăn với mẹ một bữa cơm nghen con”. Cặp mắt đỏ hoe, tôi không dám nhìn thẳng vào mẹ mà chỉ “dạ” rồi nuốt vội miếng cơm. Vừa ăn cơm tôi vừa lắng nghe mẹ kể những câu chuyện về sự thay đổi của quê mình. Nhiều tình tiết thấy ly kỳ hấp dẫn, nhưng chung quy cho cùng cũng là quy luật tự nhiên của sự phát triển đi lên của thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Nhiều người ham tiền bán đất ly hương, rồi cũng có nhiều người xa lạ đến mưu sinh lập nghiệp, tạo cho quê hương có những nếp sống, thói quen phong phú và đa dạng hơn những ngày xưa cũ.

Tiết trời sang mùa, gió bất hanh khô, cái lạnh bắt đầu khi chiều buông, đêm xuống. Tôi sống ở xứ lạnh nên cái lạnh đầu đêm chưa làm tôi cảm giác chuyển mùa, cùng với buổi chiều có vài ly rượu nồng say nghĩa tình với anh em lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên… nhân kỷ niệm 46 năm Ngày thành lập Báo Bình Thuận. Trong lúc ngủ, giấc mơ đã đến với tôi lẫn lộn nhiều niềm vui vừa có được trong ngày; khi nửa đêm thì cảm thấy lành lạnh tê buốt làm người ta tỉnh ngủ, thức giấc cảm giác như bầu trời đang trắng xóa, dần sạm thêm. Tôi cảm nhận cái lạnh ở quê ngày xưa lại tìm về. Cái lạnh không như Đà Lạt, cũng không giống Hà Nội hoặc Sa Pa; nó đến từ từ, bình tĩnh, thản nhiên. Cái lạnh hôm nay làm tôi nhớ khi còn nhỏ, đến đầu mùa đông đôi môi trẻ thơ nứt nẻ khô giòn, nhiều khi rớm cả máu. Nhưng tối ngủ, một thời không có chăn bông, nệm ấm, chỉ có những chiếc mền mỏng tanh “quấn đầu, lòi chân” cứ thế mà giấc ngủ cũng xuyên đêm, có khi “mặt trời xỏ lỗ tai” còn chưa thức giấc, quên cả cái lạnh thấu thịt, thấu xương. Nhiều buổi sáng, trước khi đi học, lũ trẻ chúng tôi thường hơ vội đôi bàn tay nhỏ xíu, nhăn nheo trên các đống lửa được ba mẹ đốt để hơ ấm từ rạ, từ rơm vừa gom được chiều hôm qua.

Năm nay, tôi về thăm quê đúng vào lúc đất trời chuyển mùa sang đông, việc nhà nông chưa đâu vào đâu, người quê tôi vẫn tảo tần bên vườn thanh long, vườn cau, vườn chuối giữa bốn bề lạnh giá. Tôi chợt thoáng nghĩ và thầm mong, bản năng chống chọi và ý chí kiên cường, cùng với sự khát vọng sống mãnh liệt yêu thương, tất cả sẽ được hồi sinh, mọi người sẽ có cuộc sống yên lành, ấm no, hạnh phúc. Cái lạnh không năm nào giống năm nào, nhưng bốn mùa của đất trời là theo vòng xoay không hề lỗi nhịp. Cái lạnh của tuổi thơ tôi đã qua rồi, cái lạnh hôm nay được cảm nhận khi về thăm quê làm nghẹn ngào trong tôi nỗi niềm thương nhớ, nỗi niềm của kẻ xa quê luôn vấn vương suốt một chặng đường lớn lên ở quê hương thời còn nghèo khó.

ĐỖ VĂN CƯỜNG

Related articles
Số hóa sách về Bác Hồ khi dạy học ở Bình Thuận
BTO- Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Ban Tuyên giáo Trung ương) vừa tổ chức số hóa các tác phẩm quan trọng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian Người dạy học tại Phan Thiết, Bình Thuận (tháng 9/1910 – 2/1911).

(0) Comments
Focus
LPBank triển khai gói giải pháp tài chính toàn diện dành riêng cho cán bộ, nhân viên hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang
Trong bối cảnh thị trường tài chính cạnh tranh sôi động, Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) khẳng định vị thế là "ngân hàng bán lẻ hàng đầu, ngân hàng của mọi người" thông qua việc tiên phong triển khai các gói giải pháp tài chính toàn diện, thiết kế dựa trên sự thấu hiểu sâu sắc nhu cầu tài chính của từng nhóm khách hàng. Đặc biệt, LPBank đang triển khai gói tài chính với những ưu đãi vượt trội, được "may đo" riêng cho cán bộ, nhân viên hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái lạnh tuổi thơ