Cách cắt đứt đường lây bệnh sốt xuất huyết

22/09/2022, 05:42

Mặc dù các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) được thực hiện liên tục trong thời gian qua, nhưng số bệnh nhân mắc SXH ở trong tỉnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

khoa-nhi.jpg
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Tăng nhanh - 5 người tử vong

Bộ Y tế nhận định: Tình trạng số ca mắc SXH gia tăng mạnh được ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam và miền Trung. Bình Thuận cũng không nằm ngoài sự gia tăng này. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5.738 ca mắc SXH, tăng 285,36% so cùng kỳ năm 2021 (1.489 ca), có 5 ca tử vong, trong đó tại Đức Linh (2 ca), Hàm Tân (2 ca), Hàm Thuận Bắc (1 ca). Số ca mắc xảy ra ở 10 huyện, thị, thành phố; các huyện ghi nhận số ca mắc cao gồm Tánh Linh (1.565 ca), Đức Linh (882 ca), Bắc Bình (825 ca), Hàm Thuận Nam (615 ca), Phan Thiết (569 ca).

Chẳng hạn, Phú Quý không có ca SXH nào vào những tháng đầu năm của năm 2022. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6/2022, số ca mắc bệnh này bắt đầu xuất hiện và cho đến nay ghi nhận 112 ca. Theo Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý, xã Long Hải có số ca bệnh chiếm tỷ lệ 60% tổng số ca mắc của toàn huyện, trở thành “điểm nóng” về SXH. Qua khảo sát sơ bộ trong chiến dịch diệt lăng quăng, phần lớn người dân không ngủ mùng, một số cha mẹ còn cắt lể cho trẻ khi trẻ sốt.

ca.-up-vo-dua-1.jpg
Úp vỏ dừa tránh nước đọng.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân mắc SXH. Trong đó, trẻ em chiếm 2/3 tổng số ca bệnh, tương ứng gần 700 bệnh nhân, số còn lại là người lớn. Điều này cho thấy SXH xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, thực tế có không ít người lớn cho rằng sốt xuất huyết là bệnh ở trẻ em nên còn chủ quan. Riêng tháng 7 và 8/2022, số ca mắc tăng cao, bệnh viện tiếp nhận hơn 200 ca/tháng. Một số trường hợp bị sốc SXH gây mệt, mà phụ huynh không biết, cứ nghĩ con ngủ đến khi đưa vào bệnh viện thì bệnh quá nặng. Đó là chia sẻ của Khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh).

ngu-mung.jpg
Ngủ mùng tránh muỗi đốt.

Diệt lăng quăng, muỗi

Theo Sở Y tế Bình Thuận, năm 2022 là chu kỳ bùng phát của bệnh SXH. Thời điểm này nóng ẩm mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, muỗi phát triển. Bên cạnh đó, sự giao lưu đi lại của người dân cao, nhiều trường hợp mắc bệnh do có yếu tố dịch tễ - đi từ nơi có bệnh SXH đang lưu hành và khi trở về nhà bị mắc bệnh, nhưng chủ quan không đến cơ sở y tế kịp thời dẫn đến biến chứng bị sốc nặng. Thêm vào đó, người dân không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như không ngủ mùng, không vệ sinh môi trường, không diệt lăng quăng, muỗi… Để chủ động phòng, chống SXH, ngành y tế tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình của dịch bệnh, tổ chức tập huấn điều trị SXH cho hơn 30 bác sĩ của các bệnh viện, Trung tâm y tế trong tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Trong thời gian đến, Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố sẽ tiếp tục phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận trong công tác điều trị bệnh nhi để tạo ra một sự liên thông chặt chẽ trong điều trị, tuân thủ phác đồ điều trị, cũng như đưa ra những hội chẩn kịp thời cho những trường hợp diễn biến nặng.

phun-thuoc.jpg
Phun thuốc diệt muỗi tại gia đình ở Phú Quý.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, thời gian qua, trung tâm đã khảo sát, đánh giá mức độ nguy cơ bệnh SXH tại các địa phương. Qua khảo sát thực tế, lăng quăng vẫn còn nhiều trong các dụng cụ chứa nước, vật phế thải ở các gia đình. Người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, mặc dù trung tâm đã phối hợp các trung tâm y tế tuyến huyện triển khai các đợt ra quân diệt lăng quăng và phun hóa chất tại khu dân cư xuất hiện ổ dịch.

Để cắt đứt đường lây truyền của muỗi truyền bệnh SXH, Sở Y tế khuyến cáo mỗi người dân hãy phòng, chống bệnh SXH bằng hành động nhỏ ngay tại gia đình. Đó là diệt lăng quăng, diệt muỗi (vệ sinh mỗi tuần), ngủ mùng, bôi kem xua muỗi... Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người... người bệnh cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán SXH kịp thời, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu…

TRANG MINH

Related articles
Diệt lăng quăng, muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết
Thời tiết hiện nay mưa nhiều tạo điều kiện lăng quăng, muỗi Aedes phát triển. Số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở Bình Thuận tăng nhanh, có ca tử vong.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách cắt đứt đường lây bệnh sốt xuất huyết