Bộ Tài chính đang xem xét tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024

27/12/2023, 16:15

Bộ Tài chính đang rà soát và báo cáo Chính phủ tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) như đã áp dụng cho năm 2023, áp dụng giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.

botruong-2-.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Thưa Bộ trưởng, Bộ Tài chính đã có nhiều biện pháp cấp bách về chính sách thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong năm 2023. Dự kiến năm 2024, ngành Tài chính sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ này ra sao?

Năm 2023, Bộ Tài chính đã tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Có thể kể đến một số chính sách hỗ trợ tài chính tiêu biểu như: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% . Dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Để giải pháp này nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu NSNN khoảng 38 nghìn tỷ đồng; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9.2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến thực hiện giải pháp này sẽ gia hạn khoảng 10,4 nghìn tỷ - 11,2 nghìn tỷ đồng.

Dưới sự tham mưu của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 về giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến thực hiện giải pháp này sẽ giảm thu NSNN khoảng 8 nghìn - 9 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, đã ban hành Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29/6/2023 về giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân. Dự kiến thực hiện giải pháp này sẽ giảm thu NSNN khoảng 700 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg ngày 03/10/2023 về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Trước mắt đầu năm 2024, Bộ Tài chính khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Đặc biệt khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT để nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn, cần hỗ trợ. Dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu NSNN khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng có dự báo ra sao về tình hình kinh tế, nguồn thu cho năm 2024 và Bộ sẽ tiếp tục tập trung vào các nhóm giải pháp nào để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế?

Dự báo năm 2024, Việt Nam triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó dự báo khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề: Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; Dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; Bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Trước hết, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, không để bị động, bất ngờ. Tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, theo kịp yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới….

Ba là, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia,… phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn.

Bốn là, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Năm là, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ; tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm. Tiếp tục hoàn thiện pháp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá và các dịch vụ tài chính khác để đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Đồng thời với đó, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập cùng với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ.

Trước mắt trong thời gian ngắn tới đây, chúng tôi chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính – NSNN trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sao cho đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trước, trong và sau Tết diễn ra bình thường. Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024 ngay từ đầu năm để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Giảm áp lực, tiết kiệm chi phí
Chính phủ chính thức bãi bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, chỉ giữ lại xét thăng hạng. Theo Nghị định số 85 sửa đổi một số điều về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức vừa được ban hành cuối tuần trước, viên chức sẽ không còn phải thi mà được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính đang xem xét tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024