Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An: Tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển

08/12/2022, 10:59

BTO- Tại kỳ họp thứ 12- HĐND tỉnh khóa XI diễn ra vào sáng 8/12, đồng chí Dương Văn An- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng về tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022. Trong đó nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ nút thắt, triển khai các nhiệm vụ, công trình, dự án có tính đột phá, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân...

Còn khó khăn, vướng mắc

Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, năm 2022 toàn hệ thống chính trị đã có nhiều nỗ lực, cố gắng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đạt được những kết quả tích cực. Đáng ghi nhận, 16/17 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 11.300 tỷ đồng, vượt 33,13% dự toán HĐND tỉnh giao… Đồng chí Dương Văn An đánh giá, soi rọi lại các nghị quyết, chương trình, kế hoạch năm 2022 cũng như qua phản ánh của nhân dân và cử tri tỉnh nhà, phải thẳng thắn thừa nhận tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nhà vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

z3942665084027_6dcca557cc2d1ad74ee9fbd92cd8eedd.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu tại kỳ họp (ảnh Đ. Hòa)

Cụ thể, kết quả thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 còn chậm, tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ ở mức khá, không như kỳ vọng, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách nhà nước, kể cả thu nội địa tuy vượt dự toán song giảm so với năm 2021. Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, xây dựng các quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kéo dài, ì ạch nên không có cơ sở triển khai các công trình, dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư… Việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn chậm, lúng túng, nhiều kiến nghị qua nhiều năm, thậm chí nhiều nhiệm kỳ vẫn chưa giải quyết được. Bí thư Tỉnh ủy đưa ví dụ thực tế: "ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh nhận được phản ánh của cử tri, kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư nhà tang lễ, đài hóa thân. Chúng ta có nhiều công trình phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng 1 nhà tang lễ để lo cho người đã mất không khó, nhưng tại sao nhiều năm không làm được? Chúng ta không có đất để bố trí, không có tiền để xây hay không có quyết tâm để làm? Tôi nghĩ chúng ta thiếu quyết tâm". Ngoài ra, tiến độ triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm của tỉnh, như Dự án Kè sông Cà Ty, đường ĐT 719B, Cảng hàng không Phan Thiết, Cầu Văn Thánh, Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh còn chậm.

thi-cong-duong-dt-719b-anh-nl-3-1-.jpg
Thi công đường 719B (ảnh Ngọc Lân)

Theo Bí thư Tỉnh ủy, ngoài những nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân từ con người. Đó là tình trạng vẫn còn cán bộ, công chức năng lực chuyên môn yếu, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, làm ảnh hưởng đến tiến độ các công việc chung của tỉnh. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhân dân chưa đồng bộ. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị HĐND tỉnh thảo luận sâu thêm vấn đề này để có biện pháp khắc phục trong năm 2023. Nếu không, đây sẽ tiếp tục là lực cản của quá trình phát triển tỉnh nhà trong thời gian tới.

Tập trung tháo gỡ nút thắt

Đồng chí Dương Văn An nhấn mạnh thêm, trong năm 2023, Bình Thuận phải tập trung, nỗ lực nhiều hơn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp…Trong đó tập trung tháo gỡ nút thắt, triển khai các nhiệm vụ, các công trình, dự án có tính đột phá. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Sử dụng, phân bổ các nguồn lực hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

dsc_3281.jpg
Du khách tham quan lễ hội Ka tê (ảnh Đ. Hòa)

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu để tham gia ý kiến về các chủ trương lớn đối với Bình Thuận, như việc tự đảm bảo cân đối ngân sách vào năm 2025, việc xây dựng sân bay Phan Thiết, việc mở rộng thành phố Phan Thiết, việc phát huy tiềm năng, lợi thế, những cái thiên nhiên ban tặng để phát triển kinh tế, nhất là năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp... Mặt khác, hiện nay tỉnh đang tồn đọng một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, đó là những sai sót, vi phạm trước đây về đầu tư, xây dựng, giao đất, cho thuê đất… Nếu những bất cập này không sớm được giải quyết sẽ ảnh hướng đến tiến độ thực hiện nhiều dự án trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và nghiêm trọng hơn là chúng ta sẽ bỏ qua cơ hội phát triển của tỉnh nhà. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng tích cực, chủ động rà soát, tháo gỡ. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp hữu hiệu hơn nữa để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lấn chiếm đất công, đất dự án, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép.

dsc_2051.jpg
Hoạt động du lịch tại TP. Phan Thiết (ảnh Đ. Hòa)

Đáng chú ý, Bình Thuận đã được chọn tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2023. Đây là vinh dự đồng thời là cơ hội lớn để tiếp tục quảng bá, phát triển ngành du lịch tỉnh nhà. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn dân cùng nêu cao trách nhiệm, chung sức, đồng lòng, mỗi tổ chức, mỗi người dân hãy bắt tay từ những việc nhỏ nhất để chúng ta sớm đạt được mục tiêu trên. Làm tốt việc này có ý nghĩa là chúng ta đem lại môi trường sống tốt hơn cho chính chúng ta và cả các thế hệ mai sau...

KIỀU HẰNG- THÙY LINH

Related articles
Trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Bình Thuận
Sáng 29/10, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhằm trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Bình Thuận.

(0) Comments
Focus
Đảm bảo môi trường du lịch an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày được xác định là “cơ hội vàng” cho toàn ngành du lịch. Với lợi thế về thiên nhiên, sự đa dạng các loại hình du lịch cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, lượng khách đến Bình Thuận trong dịp Tết năm nay được dự báo sẽ tăng cao. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, ngành du lịch còn tổ chức nhiều hoạt động tăng tính trải nghiệm, tạo sân chơi cho du khách.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An: Tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển