Bảo đảm tài sản và tính mạng người dân trong mùa mưa bão

11/06/2024, 05:07

Những ngày qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, cát, ngập lụt cục bộ, lốc xoáy, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và giao thông của người dân.

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến hết tháng 6/2024, hiện tượng ENSO sẽ chuyển dần sang trạng thái Lanina với xác suất từ 65 - 75%, mưa ở Tây nguyên và Nam bộ, Nam Trung bộ có khả năng kéo dài trong những tháng tới, tổng lượng mưa tại khu vực phổ biến ở mức cao hơn từ 5 - 20% so với trung bình nhiều năm.

z5524080089040_9e79e6cd9880040c7eb28a412982d0b4.jpg
Cát đỏ tràn theo mưa chia cắt đường ở phường Mũi Né, TP. Phan Thiết. Ảnh: Đ.Hòa

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa bão, nhiều địa phương trong tỉnh đều có mưa vừa đến mưa rất to, làm xuất hiện lũ, lũ quét cục bộ ở một số khu vực trong tỉnh. Những địa phương thường xảy ra hiện tượng này đó là huyện Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc… Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra hiện tượng cát tràn mỗi khi có mưa lớn. Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn cùng với hạ tầng đô thị làm cản trở mạch nước ngầm được xác định là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cát tràn. Trước thực trạng trên, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh trước mùa mưa bão hàng năm đều có cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy để người dân chủ động phòng tránh. Theo đó, ngay từ đầu mưa bão năm nay, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, kho tàng, doanh trại, các khu vực sườn đồi dốc, ven sông, suối, các tuyến đường giao thông trên địa bàn mình quản lý để kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn hoặc ngập lụt, lũ quét. Kiên quyết tổ chức di dời, sơ tán dân khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lập phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán kịp thời khi có tình huống xấu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng. Tổ chức kiểm tra và thanh thải dòng chảy tại các công trình cầu, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất thuộc trách nhiệm của địa phương. Phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra công tác an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng nhà ở khu dân cư ven sông, suối, ven biển, sườn đồi dốc. Đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, lấn chiếm ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ theo đúng quy định pháp luật. Rà soát, cập nhật kịch bản ứng phó tình huống xảy ra bão mạnh, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp, thời tiết nguy hiểm gây mưa to, lũ lớn, sạt lở nghiêm trọng, có kế hoạch sơ tán dân cụ thể theo từng kịch bản; nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp cơ sở để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

UBND tỉnh còn giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các địa phương, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để khẩn trương xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở, ngập sâu, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở trên các tuyến giao thông của tỉnh, nhất là các tuyến đường ven biển) và quốc lộ 55, 28 và 28B để có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các trục giao thông chính. Phối hợp với UBND thành phố Phan Thiết để rà soát, kiểm tra, hỗ trợ xử lý vụ việc cát tràn trên tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu và Huỳnh Thúc Kháng, đánh giá nguyên nhân, đề xuất biện pháp xử lý nếu tiếp tục xảy ra mưa lớn gây cát tràn theo thẩm quyền quy định. Tổ chức kiểm tra và thanh thải dòng chảy tại các công trình cầu, các khu vực thường xảy ra, hoặc có nguy cơ sạt lở đất, trên các tuyến đường tỉnh và đường quốc lộ do Sở quản lý. Chú ý các khu vực đèo Tà Pứa – ĐT 717, quốc lộ 55 đoạn qua xã Đa Mi, khu vực đường ven biển, đoạn đường đèo trên quốc lộ 28, 28B và đèo Phan Dũng...

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra các dự án khai thác khoáng sản, nhất là các dự án nằm ở vị trí địa hình cao, đồi dốc có các moong chứa nước; yêu cầu chủ đầu tư có phương án trực, bố trí thiết bị xe máy ứng phó, xử lý sự cố kịp thời khi có mưa lũ, thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, công trình và tuyệt đối không để xảy ra sự cố bể moong chứa nước. Khẩn trương phối hợp với UBND huyện Tuy Phong đảm bảo an toàn cho khu vực bãi xỉ tại các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, không để xỉ tràn ra bên ngoài và khu dân cư khi xảy ra mưa lớn cục bộ, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, UBND tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai, sạt lở và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, tài sản, giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sạt lở gây ra.

PHAN LIÊN

Related articles
Đông Hà: Phấn đấu xây dựng nông thôn mới  kiểu mẫu
Chính quyền và nhân dân xã Đông Hà (Đức Linh) hân hoan niềm vui khi được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2023. Ngay sau khi đạt chuẩn, địa phương tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu, xem đây là giải pháp tối ưu giúp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hạnh phúc cho người dân.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo đảm tài sản và tính mạng người dân trong mùa mưa bão