Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Chỉ thị của Đảng cất cánh một vùng lúa. Bài 2

21/09/2023, 07:42

Bài 2: Khẳng định thương hiệu Gạo Tánh Linh

Không chỉ trở thành vựa lúa trọng điểm của tỉnh, nhờ nguồn nước lành tươi mát, bà con nông dân trên địa bàn huyện Tánh Linh đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng hóa chất trong canh tác, sản xuất theo hướng sản xuất ổn định, bền vững. Từ đó, tạo ra sản phẩm gạo hữu cơ sạch, vừa mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, vừa góp phần tạo dựng và khẳng định thương hiệu gạo của huyện miền núi Tánh Linh.

kenh-dat.jpg

Những nhân tố điển hình

Đến các xã bắc sông của huyện Tánh Linh hôm nay, chứng kiến những cánh đồng lúa vàng óng ả đang được bà con nông dân thu hoạch, chúng ta cảm nhận được sự phát triển của vùng thung lũng sông La Ngà. Trên con đường giao thông nông thôn được bê tông xi măng kiên cố, ông Nguyễn Trường Toán, Chủ nhiệm hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đức Phú điều khiển chiếc xe ô tô “Rép” ra tận từng chân ruộng để chỉ đạo thu hoạch lúa vụ đông xuân của hợp tác xã. Ông Toán chia sẻ: Hợp tác xã của ông ra đời từ năm 1985, với diện tích sản xuất ban đầu vài chục ha, đến nay đã tăng lên gần 180 ha. Thời điểm ấy, sản xuất chủ yếu một vụ phụ thuộc vào nước trời. Giao thông nội đồng chưa được cứng hóa, lại nhỏ hẹp; thủy lợi cũng không, nên sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận mang lại rất ít.

“Từ khi Chỉ thị 15 của Huyện ủy ra đời đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi kiên cố, nước tưới đến từng chân ruộng, rồi giao thông nội đồng từng bước được cứng hóa, bê tông hóa thì việc sản xuất kinh doanh của hợp tác xã thuận lợi hơn. Từ một vụ lúa/năm đã tăng lên 2 - 3 vụ lúa/năm. Trước đây chỉ chuyên sản xuất lúa thịt, hợp tác xã đã mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Diện tích liên kết đã tăng lên trên 100 ha. Lợi nhuận từ việc kinh doanh của hợp tác xã, năm nào cũng đạt khá cao. Hiện nay, hợp tác xã đang xin thủ tục để được cấp nhãn hiệu gạo Đức Phú cung cấp ra thị trường”, ông Toán cho biết thêm.

Là một trong những nhân tố tích cực đi đầu trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương, ông Cáp Kim Thành, xã Bắc Ruộng cho rằng: Sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay rất thuận lợi so với trước đây. Vì vậy, phải thay đổi tư duy cũ như: gieo sạ dày, lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu mà thay vào đó phải sản xuất ra lúa gạo chất lượng, sạch, an toàn cho sức khỏe của mình và cả người tiêu dùng. Kinh nghiệm của ông là chỉ tập trung sản xuất ở 2 vụ chính đó là vụ đông xuân và vụ hè thu sớm; hạn chế sản xuất vụ mùa vì vụ này thường rơi vào cao điểm mưa lũ, bị ngập lụt, mất trắng là điều khó tránh khỏi. Ông Thành đã dành 4 ha ruộng của gia đình sản xuất lúa theo hướng VietGAP và tuyên truyền vận động bà con cùng làm theo. Từ 9 ha với 12 hộ tham gia ban đầu thì đến năm 2023 đã tăng lên 20 ha, với 20 hộ sản xuất xuất lúa theo hướng VietGAP. Lợi nhuận tăng cao so với sản xuất lúa thường.

ong-nguyen-anh-duc-htx-duc-binh.jpg
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đức Bình.

Đang đóng gói những bao gạo ST25 để kịp giao cho khách hàng, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đức Bình nở nụ cười tươi nói: Sản xuất nông nghiệp bây giờ thì chỉ cần chuẩn bị bao để đựng lúa, còn mọi thứ khác có doanh nghiệp lo. Bởi thế, ngay từ khi thành lập hợp tác xã vào năm 2017 với tổng diện tích 25 ha, ông đã mạnh dạn thử nghiệm 0,7 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay, diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ đã lên đến 50 ha. Gạo của hợp tác xã được sử dụng nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”. Hiện tại gia đình ông Đức mỗi tháng đóng gói và giao khoảng 10 tấn gạo hữu cơ cho khách hàng trong tỉnh và các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Mỗi bịch 5kg, có logo Gạo Tánh Linh trên bao bì với các giống lúa OM18, ST25… ông bán giá khoảng 140.000 đồng trở lại. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông Đức thu nhập trung bình từ 500 - 700 triệu đồng/năm.

Được biết, hợp tác xã đã có 2 sản phẩm gạo ST24 và gạo OM18 được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hợp tác xã không chỉ duy trì sản xuất theo hướng hữu cơ đối với diện tích 50 ha mà còn liên kết với bà con nông dân để nâng thêm diện tích sản xuất hữu cơ và nâng chất lượng sản phẩm gạo lên 4 sao.

Nâng tầm giá trị

Ông Giáp Hà Bắc, Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh phấn khởi chia sẻ: Trước đây vụ đông xuân phải bỏ hoang vào mùa nắng do không có nước tưới thì nay đã trở thành vụ chính trong năm. Từ sử dụng lúa thịt làm giống thì nay trên 95% sử dụng giống lúa xác nhận chất lượng cao đưa vào sản xuất, năng suất tăng đáng kể. Nhờ vậy, đã duy trì và ổn định trên 11.000 ha đất trồng lúa, diện tích cánh đồng lớn được mở rộng, triển khai và thực hiện vùng lúa chất lượng cao đạt gần 1.800 ha, chiếm 50% trên cánh đồng lớn, có trên 2.700 ha được sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 50 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”.

Bên cạnh đó, huyện còn duy trì liên kết với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu long và các công ty, doanh nghiệp sản xuất lúa giống xác nhận theo hướng tập trung từ 200 - 250 ha/năm. Sản xuất lúa theo phương pháp SRI và VietGAP duy trì hằng năm từ 260 -300 ha. Đồng thời, đã chuyển đổi sang cây trồng cạn được 2.550 ha để lách vụ, tránh thiên tai. Hiện nay, Tánh Linh đã được tỉnh công nhận 2 sản phẩm OCOP gạo đạt 3 sao (ST24 và OM18). Đặc biệt, ngoài 2 Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 98 của Chính phủ và Nghị quyết số 86 của HĐND tỉnh đã thực hiện trong thời gian qua thì mới đây huyện Tánh Linh đã mời gọi được Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời về đầu tư trên địa bàn huyện trong chuỗi sản xuất liên kết và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo.

Cũng theo ông Giáp Hà Bắc, hàng năm, huyện đã dành nguồn ngân sách đầu tư, hỗ trợ cho nông dân kỹ thuật trồng lúa, trong đó có trồng lúa hữu cơ. Nếu như ban đầu chỉ 3 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác chuyên sản xuất giống lúa với diện tích khoảng 50 ha/vụ (chỉ sản xuất 2 vụ lúa giống/năm) thì nay 12 hợp tác xã và 25 tổ hợp tác trong huyện đều có tham gia thực hiện nhân giống, với tổng diện tích trên 200 ha. Đến nay nhãn hiệu Gạo Tánh Linh đã có một số đơn vị trên địa bàn sử dụng, đóng bao sản phẩm theo hướng hữu cơ với số lượng khoảng 1.000 tấn/năm như gạo Đức Lan (Đức Bình), Bắc Ruộng, Đức Phú…

Từ một huyện nông nghiệp nghèo,  nay Tánh Linh đã từng bước khẳng định vị thế của mình so với các huyện bạn trong tỉnh. Không chỉ dừng lại ở đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định một trong hai khâu đột phá đó là: Mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của huyện gắn với đổi mới hình thức sản xuất phù hợp; Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 57 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng để nông nghiệp Tánh Linh tiếp tục cất cánh trong tương lai gần.

NGỌC KHÁNH –THANH HẢI

Related articles
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Mở rộng không gian phát triển của các địa phương
Sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 là chủ trương lớn của Đảng nhằm góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển, phát huy nguồn lực, tiềm năng, phát huy lợi thế của các địa phương, thúc đẩy phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Chỉ thị của Đảng cất cánh một vùng lúa. Bài 2