Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa: Hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường. Bài 3

17/08/2023, 05:20

Bài 3: Phục vụ dân sinh trong mọi tình huống

Kết luận số 36 - KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống. Đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu. Mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước một cách hiệu quả, đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài

Theo đó, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) thực hiện Kết luận số 36 của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ… Đến năm 2030, hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ theo kế hoạch, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

z4603583307029_2a9ef2380b6151cd571032f8fe690631.jpg
Gắn bảng cấm tại công trình hồ thủy lợi.

Để thực hiện được những mục tiêu này, Tỉnh ủy Bình Thuận đã đề ra việc cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác này. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền… Phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

z4603530149652_d2f5ca76329496eb48a4a87332ab8783.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An thăm, chúc tết tại Trạm thủy lợi hồ Đu Đủ trong dịp Tết Nguyên đán.

Cùng với đó hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Một trong những giải pháp là xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực theo hướng đa dạng hóa hình thức thu hút, huy động nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm liên kết, kết nối nguồn nước. Kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án đầu tư công để xây dựng đập, hồ chứa nước đa mục tiêu; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, bảo đảm năng lực cấp nước, tiêu thoát nước, kết hợp phục hồi nguồn nước suy thoái, ô nhiễm.

z4012804021986_c6eff82d2d8fe779e6c287bcde05608d.jpg
Hồ Đá Bạc là một trong những công trình đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa.

Cùng với đó, Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu về nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước. Đồng thời chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa và các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Làm tốt công tác phòng chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu. Bên cạnh, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; bảo vệ môi trường, nguồn sinh thủy và phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm

Thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kết luận số 36 của Bộ Chính trị, giữa tháng 5/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã ban hành kế hoạch triển khai nội dung này. Trong đó, đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành và địa phương quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Kết luận số 36 bằng các hình thức phù hợp đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý để nhận thức đúng, đầy đủ về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ chứa. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu để triển khai, tổ chức thực hiện thực sự có hiệu quả, thiết thực công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

z4603739191079_fa33be0e023d7f9406b2685bad6950a7.jpg
Nông dân áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước tưới.

Trong đó, UBND tỉnh đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chú trọng đầu tư các công trình trữ nước, chuyển nước quy mô nhỏ, hộ gia đình phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khan hiếm nước. Mặt khác, khai thác các công trình thủy lợi theo đúng quy trình vận hành, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn nước. Hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp, giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp…

z4490159251006_57f1fb33d583c5fcc10f0bef9498d0c1.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải (bên phải) cùng đoàn công tác khảo sát tại vị trí xây dựng hồ Ka Pét.

Đặc biệt, niềm vui đến với chính quyền và nhân dân Bình Thuận, khi thời gian qua một số hồ chứa trong tỉnh được đầu tư nâng cấp, sửa chữa từ nguồn vốn Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), tỉnh Bình Thuận do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 847 phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tại Bình Thuận có dự án hồ chứa nước La Ngà 3, Ka Pét... được ưu tiên trong quy hoạch. Cụ thể, theo phương án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai và thủy lợi, ở tiểu vùng Nam Trung bộ, sẽ xây dựng mới một số hồ chứa có khả năng điều tiết liên vùng, trong đó tại Bình Thuận có các hồ La Ngà 3, Ka Pét, Tân Lê, Cà Tót, Sông Tom. Đồng thời xây dựng các tuyến kết nối, điều hòa, chuyển nước như kết nối, chuyển nước từ hồ La Ngà 3 cấp nước khu vực phía nam tỉnh Bình Thuận; vận hành hiệu quả hồ chứa nước thượng nguồn phục vụ cấp nước, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, tham gia cắt lũ theo quy trình đã được phê duyệt. Được biết, mục tiêu quy hoạch nhằm đảm bảo cấp nước, tiêu, thoát nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển ở thượng nguồn các sông liên quốc gia.

Với quan điểm “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”, Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước. Do đó, Kết luận số 36 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, cũng như chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh về kết luận này với mục đích phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, góp phần quan trọng hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường bền vững.

Bài 1: Hồ chứa thủy lợi – lợi ích và nguy cơ

Bài 2: Ý thức bảo vệ nguồn nước - chuyện cần bàn

CÔNG NAM - KIỀU HẰNG

Related articles
Giàu lên từ hạ tầng thủy lợi, giao thông
Vùng đất một thời khô cằn, hoang hóa vì thiếu nước, đã được hồi sinh nhờ các công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, sự quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông đã vực dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của huyện, đem lại màu xanh tươi cho nhiều loại cây trồng. Cũng từ đây khắc phục được cảnh “đồng khô, cỏ cháy, nước chờ mong”.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa: Hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường. Bài 3