Ấn tượng không gian “Triển lãm Di sản văn hóa Chăm Bình Thuận”

01/10/2024, 15:07

BTO-Cứ đến ngày 1/7 Chăm lịch, cộng đồng người Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lại hành hương về tháp Pô Sah Inư để tham dự Lễ hội Katê. Năm nay, trong không gian lễ hội dưới chân tháp, Bảo tàng tỉnh đã bố trí gian trưng bày về “Triển lãm Di sản văn hóa Chăm Bình Thuận – Linga vàng bảo vật Quốc gia, thế kỷ VIII – IX”.

trien-lam.11.jpg
Triển lãm ảnh di sản văn hóa Chăm

Gian trưng bày được bố trí thành các phần như: Quá trình khai quật một số đền, tháp Chăm; hình ảnh khai quật tại tháp Pô Dam phát hiện Linga vàng; giới thiệu Bảo vật Quốc gia Linga vàng; hiện vật Chăm Bình Thuận tiêu biểu. Ngoài ra, còn có 30 hiện vật tiêu biểu phát hiện trong các đợt khai quật khảo cổ, do người dân làm vườn tình cờ phát hiện; các món bánh truyền thống được làm trong các dịp lễ, tết…

gian-trung-bay-1.jpg
Không gian tại gian triển lãm

Bình Thuận hiện có 4 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong số đó có 2 di sản văn hóa của đồng bào Chăm là Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn và nghề làm gốm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp (Bắc Bình). Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Chăm luôn được địa phương quan tâm, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung, thúc đẩy hoạt động du lịch. Đặc biệt, trong đợt công nhận bảo vật quốc gia - đợt 12, năm 2023, Bình Thuận có 1 bảo vật liên quan đến di sản văn hóa Chăm. Đó là Linga vàng được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) vào năm 2013.

6.-thap-co-podam-khi-chua-duoc-trung-tu.jpg
Tháp Pô Dam khi chưa được trùng tu, nơi phát hiện Linga vàng (ảnh Bảo tàng tỉnh)

Thông qua việc giám định, các nhà khoa học khẳng định đây là Linga bằng vàng ròng có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VIII – cùng niên đại xây dựng nhóm tháp Pô Dam. So với những Linga bằng vàng phát hiện trong di tích Chămpa hay văn hóa Óc Eo thì Linga bằng vàng ở Pô Dam có kích thước, khối lượng và hàm lượng vàng lớn hơn nhiều lần. Tuy nhiên, giá trị chính của Linga ở Pô Dam không nằm ở chỗ 78,3630g vàng ròng mà nằm ở cấu trúc chiếc Linga, xuất xứ, niên đại, tính hiếm và nghệ thuật chế tác thủ công.

Hiện UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia này. Đồng thời tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12) gắn với khai mạc Lễ hội Katê năm 2024 diễn ra tại di tích tháp Pô Sah Inư vào sáng ngày mai (2/10).

img_1210.11.jpg
Món bánh gừng truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người Chăm
img_1229.jpg
Tại gian triển lãm có các nghệ nhân biểu diễn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm

Vì vậy, không gian triển lãm ảnh tại chỗ diễn ra từ ngày 1 – 6/10 sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hành động của nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng, cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và du khách.

THÙY LINH

Related articles
Tạo động lực kinh tế từ công nghiệp văn hóa
Hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu của địa phương. Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế rất lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn tượng không gian “Triển lãm Di sản văn hóa Chăm Bình Thuận”