Trong khi hải quân Ấn Độ cũng tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Biển Ả Rập giữa lúc mối quan hệ với nước láng giềng Pakistan ngày càng trở nên tồi tệ kể từ vụ tấn công khủng bố ở khu vực Kashmir do phía Ấn Độ quản lý khiến 26 người thiệt mạng.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra trên hồ Dal thuộc vùng Jammu và Kashmir, ngày 25/4. Ảnh: Reuters
Đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội X cho thấy một đoàn tàu chở pháo tự hành M110 203mm di chuyển qua lãnh thổ Pakistan. Động thái này diễn ra sau khi lực lượng Pakistan phá hủy hai tiền đồn của Ấn Độ ở Thung lũng Leepa, nằm trong khu vực tranh chấp Kashmir.
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif khẳng định nước này không có kế hoạch khiêu khích, nhưng sẵn sàng phản ứng tương xứng trong trường hợp bị tấn công. Về phía Ấn Độ, hải quân nước này cũng chia sẻ video và ảnh về vụ phóng tên lửa chống hạm, nhấn mạnh “sẵn sàng chiến đấu, đáng tin cậy và sẵn sàng cho tương lai trong việc bảo vệ lợi ích hàng hải của quốc gia”.
Vụ tấn công vào khách du lịch tại vùng lãnh thổ Kashmir trong tuần qua đã gây ra khủng hoảng mới trong quan hệ giữa Ấn Độ với Pakistan. Ấn Độ đã nhanh chóng cáo buộc nước láng giềng hỗ trợ các hoạt động xâm nhập của phiến quân vào Kashmir – điều mà Pakistan một mực phủ nhận.
Chỉ trong vòng 24 giờ sau vụ tấn công, Ấn Độ đã đình chỉ Hiệp ước Nước sông Ấn năm 1960, đóng cửa biên giới, hủy bỏ thị thực của công dân Pakistan, và trục xuất các nhà ngoại giao Pakistan. Pakistan đã đáp trả bằng cách đình chỉ Hiệp định Shimla, đóng cửa không phận và biên giới, cắt đứt quan hệ thương mại, và yêu cầu các nhà ngoại giao Ấn Độ rời khỏi nước này. Cả hai bên cũng đã tiến hành các cuộc đụng độ quân sự dọc theo Đường Kiểm soát (LoC) và triển khai lực lượng hải quân và không quân tại các khu vực chiến lược.
Pakistan cảnh báo nếu Ấn Độ chặn sông, Pakistan sẽ coi động thái này là “hành động chiến tranh”. Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif lo ngại cuộc đối đầu với Ấn Độ có thể leo thang thành một “cuộc chiến tranh toàn diện” với “kết cục bi thảm”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, viễn cảnh này hiện tại khó có thể xảy ra. Nhà phân tích chính trị SD Muni của Viện Quốc phòng và Phân tích Chiến lược, New Delhi nhận định rằng: “Tôi không thấy họ muốn để xảy ra chiến tranh toàn diện. Nhưng vấn đề tôi nhận thấy là tình hình đang leo thang, nguồn cung nước bị gián đoạn thậm chí chỉ 5, 10% trong số này cũng sẽ tạo ra những tác động đáng kể. Chúng ta sẽ phải xem Pakistan trả đũa như thế nào. Một số nhà máy thủy điện có thể cạn nước. Nếu điều đó thực sự xảy ra, thì đó cho thấy tình hình thực sự leo thang, nhưng như tôi vẫn nói có lẽ sẽ không đến mức dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện. Đó là điều mà tất cả chúng ta không mong đợi và tình hình quốc tế và khu vực cũng không cho phép điều đó xảy ra. Sẽ không như vậy.”
Liên hợp quốc và các nước như Mỹ, Trung Quốc và Nga - luôn đóng vai trò trung gian kiềm chế căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan. Các nước lớn không mong muốn sự bất ổn tại Nam Á ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư và an ninh toàn cầu.
Ông Stéphane Dujarric, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi: "Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình với mối quan ngại sâu sắc. Tất nhiên chúng tôi lên các cuộc tấn công ở Jammu và Kashmir. Và chúng tôi một lần nữa kêu gọi cả chính phủ Ấn Độ và chính phủ Pakistan hãy kiềm chế tối đa để đảm bảo tình hình không xấu đi thêm nữa".
Dù không nhiều nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện, song cũng không thể loại trừ những tác động tiêu cực từ tình hình leo thang. Việc đình chỉ Hiệp ước Nước sông Ấn, một thỏa thuận quan trọng về chia sẻ nguồn nước, có thể dẫn đến một cuộc “chiến tranh nước” với những hậu quả khó đoán, đặc biệt khi Pakistan phụ thuộc vào nguồn nước từ các con sông bắt nguồn từ Ấn Độ.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, với 240 triệu dân phụ thuộc vào sông Indus, căng thẳng ngoại giao Ấn Độ - Pakistan hiện nay không chỉ đe dọa nông nghiệp mà còn là nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, thiếu nước cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất điện và thậm chí có thể làm tê liệt nền kinh tế.