Tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập năm nay có 4 ứng cử viên, gồm đương kim Tổng thống Abdel Fattah El Sisi; Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội Farid Zahran; Chủ tịch đảng Phái đoàn (Al Wafd) Abdel-Sanad Yamama và Chủ tịch đảng Nhân dân Cộng hòa Hazem Omar.
Để đảm bảo thành công cho tiến trình bầu cử, Ủy ban bầu cử quốc gia Ai Cập (NEA) đã chuẩn bị hàng nghìn thùng phiếu di động, bên cạnh các thùng phiếu cố định tại 9.376 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. NEA cũng đã cấp phép cho 14 tổ chức quốc tế cùng 63 tổ chức trong nước với tổng cộng hơn 22.300 quan sát viên, tham gia giám sát cuộc bầu cử. Hơn 4.200 phóng viên thuộc 115 cơ quan báo chí trong nước và quốc tế được cấp phép thực hiện truyền thông về sự kiện.
Kết quả kiểm phiếu chính thức sẽ được Ủy ban bầu cử quốc gia công bố ngày 18/12. Trường hợp không có ứng cử viên nào nhận được quá bán (trên 50%) số phiếu bầu để giành chiến thăng, vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức vào đầu tháng 1/2024. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích trong nước và khu vực, nhiều khả năng Tổng thống El Sisi sẽ tiếp tục giành thắng lợi cách biệt ngay trong vòng bỏ phiếu thứ nhất, tương tự như trong hai cuộc bầu cử Tổng thống gần nhất tại Ai Cập được tiến hành vào các năm 2014 và 2018.
Cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Ai Cập đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga - Ukraine và đại dịch Covid-19, giữa lúc đồng nội tệ sụt giảm thê thảm so với đồng USD, dự trữ ngoại hối ngày càng khan hiếm và lạm phát luôn ở mức trung bình trên 30% kể từ đầu năm 2023 tới nay. Bên cạnh đó, an ninh của Ai Cập cũng đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng trong một khu vực đầy bất ổn. Do đó, việc lựa chọn một nhà lãnh đạo có đủ khả năng đưa Ai Cập thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn kinh tế hiện nay cũng như giữ vững an ninh và ổn định đất nước là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Ai Cập.