12 đối tượng trong vụ án buôn lậu xăng, dầu nghìn tỷ hầu tòa

12/12/2018, 16:46

BTO - Sáng nay (12/12), Tòa án nhân dân tỉnh đã chính thức đưa ra xét xử 12 bị can trong vụ án buôn lậu xăng, dầu tại Công ty cổ phần Dương Đông Hòa Phú (DĐHP) (xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong). Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 10 ngày từ 12/12 – 22/12/2018.

Quang cảnh phiên tòa.

Đây là vụ án được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm bởi tính chất nghiêm trọng với số xăng, dầu buôn lậu lên đến 2.000 tỷ, lớn nhất từ trước đến nay.  

Tại phiên tòa ngoài 12 bị cáo còn có đại diện các đơn vị liên quan như Công ty CP Dương Đông Hòa Phú, Chi cục Hải quan Bình Thuận, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, đại diện cơ quan ngoại giao Philippines tại Việt Nam, cùng 24 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Hội đồng xét xử gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân, trong đó thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là bà Trần Thị Ánh Tuyết, có 2 kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa...

Trong ngày đầu tiên xét xử, sáng nay Hội đồng xét xử tiến hành các thủ tục điểm danh, phổ biến nội quy phiên tòa; kiểm tra lý lịch, nhân thân từng bị cáo trước khi Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng và tiếp tục chuyển sang phần xét hỏi vào chiều nay.

Hội đồng xét xử.

Theo cáo trạng số 116 ngày 29/8/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, khoảng 00 giờ 20 phút ngày 29/1/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Chi cục Hải quan Bình Thuận thuộc Cục Hải quan Đồng Nai tiến hành kiểm tra tàu BTS Christina thuộc sở hữu của Công ty BTS Tankers, Singapore, do Romel Pagente Aleria (quốc tịch Philippines) làm thuyền trưởng, đang bơm xăng từ tàu lên bồn chứa của Công ty DĐHP. Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành lập biên bản chứng nhận và biên bản khám tàu BTS Christina xác định số lượng xăng RON A92 thực tế trên tàu trước khi bơm là 9.300 tấn. Tuy nhiên Công ty DĐHP chỉ khai báo hải quan nhập khẩu hơn 1.800 tấn. Tại thời điểm kiểm tra, đã có hơn 3.200 tấn xăng RON A92 được bơm từ tàu lên bồn chứa tại kho Hòa Phú. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tiến hành điều tra mở rộng vụ án, làm rõ đường dây buôn lậu xăng dầu.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo.

Theo đó, từ ngày 14/10/2015 đến ngày 29/01/2016, Công ty DĐHP do Nguyễn Đức Mạnh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc), Nguyễn Thanh Sơn (Phó tổng giám đốc), Vũ Văn Bằng (Trưởng phòng Kinh doanh), Nguyễn Đăng Duy (Phó phòng kinh doanh), Nguyễn Đức Quang (nhân viên) đã tổ chức mua 12 chuyến xăng dầu của các công ty nước ngoài đưa về Việt Nam. Tổng số lượng xăng dầu công ty này đã nhập về là hơn 91 triệu lít xăng A92 và hơn 77,5 triệu lít dầu DO, nhưng công ty chỉ khai báo hải quan nhập khẩu kinh doanh 17,4 triệu lít xăng A92 và 14,85 triệu lít dầu DO. Tổng giá trị hàng hóa là hơn 2.000 tỷ đồng.

Các bị cáo tại tòa.

Đối với khâu giám định khối lượng xăng dầu nhập về Việt Nam, Đàm Văn Dương (Giám đốc Công ty Giám định World Control) đã chỉ đạo giám định viên cấp chứng thư giám định với số lượng hàng hóa ít hơn với số lượng hàng hóa thực tế đã nhập trong 10 chuyến, để nhận số tiền hơn 2,2 tỷ đồng, giúp sức cho Nguyễn Đức Mạnh nhập lậu số xăng dầu có giá trị hơn 1.600 tỷ đồng. Lê Quang Hoàng (giám định viên) thực hiện việc đo đạc, lập chứng thư giám định đối với 6 chuyến hàng hóa nhập lậu, giúp sức cho Nguyễn Đức Mạnh thực hiện việc nhập lậu số xăng dầu có giá trị hơn 832 tỷ đồng, Lê Hải Dương (đại lý viên Công ty Đông Hưng Quốc tế) giúp sức cho Nguyễn Đức Mạnh nhập lậu số xăng dầu có giá trị hơn 154 tỷ đồng.

Để việc nhập lậu xăng dầu được trót lọt, Nguyễn Đức Mạnh và Nguyễn Thanh Sơn đã có chủ trương chi 12 triệu đồng cho công chức hải quan mỗi lần đến kiểm hóa, giám sát nhập khẩu xăng dầu. Theo chủ trương này, tương ứng với 12 lần nhập khẩu xăng dầu, Nguyễn Tuấn Anh (nhân viên Công ty DĐHP) đã trực tiếp đưa 144 triệu đồng cho nhân viên hải quan Đinh Hữu Thùy. Thùy nhận số tiền nêu trên và không thực hiện chức năng kiểm hóa, giám sát đối với số lượng hàng hóa thực tế nhập khẩu. Còn Lê Văn Vinh không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của công chức hải quan, không có mặt trên tàu để kiểm hóa 7 chuyến hàng nhập lậu của Công ty DĐHP. Đối với thuyền trưởng Aleria Romel Pagente đã ký chứng từ vận chuyển quá cảnh lượng xăng trị giá hơn 154 tỷ đồng để nhập cảnh vào Việt Nam. Sau đó Aleria Romel Pagente đã chỉ đạo bơm toàn bộ lượng xăng trên lên kho của Công ty DĐHP.

Với những hành vi trên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã truy tố các bị can Nguyễn Đức Mạnh, Nguyễn Thanh Sơn cùng tội “Buôn lậu” và “Đưa hối lộ”; Vũ Văn Bằng, Nguyễn Đăng Duy, Nguyễn Đức Quang, Đàm Văn Dương, Lê Quang Hoàng, Lê Hải Dương cùng tội “Buôn lậu”; Nguyễn Tuấn Anh tội “Đưa hối lộ”; Đinh Hữu Thùy tội “Nhận hối lộ”, Lê Văn Vinh tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Aleria Romel Pagente tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.

Báo Bình Thuận Online sẽ tiếp tục cập nhập diễn biến phiên tòa

Khánh Chi


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
12 đối tượng trong vụ án buôn lậu xăng, dầu nghìn tỷ hầu tòa