10 sự kiện tiêu biểu năm 2015

28/01/2016, 14:47

BT- Năm 2015, năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2010 - 2015 và là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước và tỉnh nhà. Trong điều kiện kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, năng suất chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm chủ yếu của tỉnh còn thấp, kết cấu hạ tầng còn thiếu và không đồng bộ, hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân… nhưng các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có những ngành, lĩnh vực, công trình, sự kiện như là điểm nhấn làm cho bức tranh kinh tế- xã hội Bình Thuận thêm phần phong phú đa sắc màu. Có thể điểm qua những sự kiện nổi bật của năm 2015:

1. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII

Trong các ngày  từ 12 - 15/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (TP. Phan Thiết) đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đến dự và chỉ đạo đại hội có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cùng 349 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 29.000 đảng viên trong toàn đảng bộ.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận với chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; giữ vững quốc phòng - an ninh; khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng lợi thế, chủ động hội nhập, đưa tỉnh nhà phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, du lịch, năng lượng”.  Nghị quyết Đại hội đã xác định 12 chỉ tiêu, 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, 4 nhiệm vụ trọng tâm và 4 khâu đột phá liên quan đến các lĩnh vực cơ bản và trọng yếu của sự nghiệp xây dựng,  phát triển tỉnh Bình Thuận trong những năm tới. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với 50 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy 15 đồng chí, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy 11 đồng chí và bầu Đoàn đại biểu (15 chính thức, 1 dự khuyết) dự Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư Tỉnh ủy khóa XII tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy khóa XIII. Các đồng chí Nguyễn Ngọc Hai, Huỳnh Thanh Cảnh, Dương Văn An được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 là sự kiện lớn nhất năm 2015, sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng của toàn đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

 2. Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bình Thuận lần thứ VII

Sáng 23/9/2015, Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bình Thuận lần thứ VII năm 2015 được tổ chức với khẩu hiệu “Đoàn kết, năng động sáng tạo quyết tâm thi đua xây dựng tỉnh Bình Thuận văn minh, giàu đẹp”. Tham dự và chỉ đạo đại hội có đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, cùng 309 đại biểu là những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của tỉnh.

Phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Bình Thuận trong 5 năm (2010 - 2015) đã thực sự là nguồn động lực, động viên thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong toàn tỉnh, tạo sự đồng tâm hiệp lực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến được phát hiện, biểu dương khen thưởng kịp thời, nhiều phong trào thi đua yêu nước của nhân dân tại địa phương được nhân rộng, trở thành phong trào chung của các tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở. Ra sức thi đua phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh.

Tại đại hội, có 18 tập thể được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh, 22 tập thể và 65 cá nhân điển hình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Ngoài ra, đại hội cũng chọn ra 59 gương điển hình để in tập sách “Những điển hình tiên tiến tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2010 - 2015” và cử 10 gương điển hình đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

 3. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc với cán bộ, nhân dân Bình Thuận

Trong 2 ngày 16 - 17/3/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận nhằm kiểm tra, đánh giá  tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.

 Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch nước đã biểu dương cán bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đoàn kết phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, nằm trong tốp những tỉnh, thành duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, để tạo đột phá, Chủ tịch nước lưu ý phải tập trung mạnh cho 3 mục tiêu quan trọng đã đặt ra, đó là kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính. Với vị trí chiến lược về bảo vệ chủ quyền biển đảo, Bình Thuận cần tìm giải pháp để phát triển nhanh hơn, đặt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, với quy mô lớn hơn, chất lượng tốt, tăng trưởng kinh tế làm chỗ dựa cho quốc phòng an ninh. Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, Bình Thuận cần phải nhìn thẳng vào sự thật để giải bài toán phát triển; đoàn kết, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của năm cuối nhiệm kỳ, đồng thời thảo luận kỹ, đóng góp ý kiến xác đáng cho dự thảo Báo cáo chính trị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhằm tạo tiền đề vững chắc cho nhiệm kỳ mới.

 4. Khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết

Sáng 18/1/2015, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến dự và phát lệnh khởi công.

Dự án sân bay Phan Thiết có tổng diện tích 543 ha, là sân bay lưỡng dụng, phục vụ cho cả quân sự và dân sự. Với đường băng dài 2.400 m, hệ thống quản lý bay và nhà ga hiện đại, sân bay Phan Thiết sẽ đảm bảo khai thác một số loại máy bay như Su27, Su30, AN26, A320, A321… có khả năng tiếp nhận 500.000 khách/năm. Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng đảm nhận việc đầu tư xây dựng hạng mục quân sự theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Còn hạng mục hàng không dân dụng do Công ty cổ phần Tập đoàn Rạng Đông đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với tổng vốn 1.640 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tiên của cả nước đầu tư theo hình thức này.

Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2018, qua đó góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận cũng như đất nước.

 5. Khởi công bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân

Sáng 16/4/2015, UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (Hà Nội) tổ chức lễ khởi công xây dựng bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.

 Dự án Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân do Công ty cổ phần Cảng tổng hợp Vĩnh Tân làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 2.300 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn 1 gồm hai bến tổng hợp cho tàu đến 30.000 DWT và một bến cho tàu công vụ kết hợp cho tàu đến 3.000 DWT với diện tích mặt nước sử dụng khoảng 140 ha, trong đó hơn 50 ha được dùng để san lấp phục vụ xây dựng kho bãi, hạ tầng giao thông nội bộ cảng và dịch vụ sau cảng. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016 và thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm. Dự kiến nhu cầu hàng hóa qua cảng đến năm 2020 từ 4 - 6 triệu tấn/năm.

Cảng tổng hợp Vĩnh Tân khi đi vào hoạt động đóng vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực Nam Trung bộ. Nó không những đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao cả về số lượng hàng, quy mô đội tàu ra vào cảng, mà quan trọng nó còn có tác dụng thu hút nhiều hơn lượng hàng hóa dồi dào trong toàn vùng vào đây; góp phần thúc đẩy kinh tế nhiều tỉnh, thành, trong đó có Bình Thuận phát triển mạnh mẽ, có thêm nhiều nhà đầu tư mới.

 6. Khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1

Ngày 18/7/2015, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có tổng vốn đầu tư 1,75 tỷ USD đã chính thức được khởi công. Nhà máy có công suất 1.200 MW với 2 tổ máy được đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Cụ thể, liên doanh 2 nhà đầu tư Trung Quốc là Công ty TNHH lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc góp 95% vốn, phần còn lại do Tổng công ty Điện lực Vinacomin thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đối ứng.

Theo kế hoạch, tổ máy số 1 sẽ vận hành cuối năm 2018, tổ máy thứ 2 sẽ hòa lưới điện quốc gia vào giữa năm 2019. Sau khi hoàn thành, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ được doanh nghiệp Trung Quốc vận hành trong vòng 25 năm, sau đó chuyển giao cho phía Việt Nam. Đây là công trình có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam do các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện.

 7. Khởi công dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

Sáng 18/4/2015, Tập đoàn Rạng Đông đã tổ chức khởi công xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Dự án rộng khoảng 62 ha, có mục tiêu phục vụ nhu cầu cho khoảng 10.000 người, trong đó 6 ngàn người sinh sống ổn định và khoảng 4.000 khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng.

Khu đô thị du lịch biển được xây dựng theo hướng hiện đại, tạo điểm nhấn vùng ven biển của thành phố Phan Thiết, nhằm tạo điều kiện khai thác sử dụng quỹ đất trung tâm đô thị hợp lý và hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Dự kiến, đến năm 2020, Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

 8. Khánh thành, đưa vào sử dụng chợ mới Phan Thiết

Sáng 29/8/2015, thành phố Phan Thiết đã long trọng tổ chức lễ khánh thành chợ mới Phan Thiết. Chợ được khởi công xây dựng vào tháng 5/2013 và đến ngày 29/8/2015 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Với tổng kinh phí đầu tư là 137,471 tỷ đồng, có diện tích sử dụng 13.523m2. Chợ có 1.216 quầy, hiện có hơn 900 hộ tiểu thương đăng ký kinh doanh đa ngành hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân địa phương, khách du lịch trong và ngoài nước.

Chợ mới Phan Thiết là điểm nhấn kiến trúc hiện đại tại khu vực trung tâm thành phố. Việc đưa chợ  vào hoạt động đã tạo ra động lực mạnh mẽ trong kinh doanh, thương mại, du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Phan Thiết trong tương lai.

9. Khánh thành Đền thờ liệt sĩ thành phố Phan thiết

Sáng 27/7/2015, UBND thành phố Phan Thiết đã tổ chức lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ thành phố Phan Thiết. Đền thờ được khởi công xây dựng vào ngày 27/7/2013, tại giao lộ đường Nguyễn Hội - Đặng Văn Lãnh - Phạm Ngọc Thạch, thuộc phường Xuân An, thành phố Phan Thiết, với tổng diện tích gần 7.000m2, tổng vốn đầu tư trên 32 tỷ đồng.

Thành phố Phan Thiết có trên 2.000 liệt sĩ, do đó công trình này có ý nghĩa chính trị rất lớn, thể hiện ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chung của nhân dân, cán bộ trong toàn thành phố.

 10. Khánh thành Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết

 Sáng 31/10, tại xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ khánh thành và bàn giao Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết. Dự án với tổng mức đầu tư hơn 1.547 tỷ đồng, cấp nước tưới cho 15.700 ha đất canh tác thuộc đồng bằng Phan Rí. Đây là một trong những công trình được xây dựng có chất lượng tốt và đẹp.

Nếu thực hiện giai đoạn 2, triển khai đầu tư xây dựng hồ chứa nước Sông Lũy để cung cấp nước tưới cho hơn 47.000 ha đất canh tác của hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong, thì sẽ góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước, gây hạn hán thường xuyên, nghiêm trọng về mùa khô, và là công trình có tính chất quyết định đến phát triển bền vững, lâu dài cho khu vực phía Bắc tỉnh trong những năm tới.

Lê Văn


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 sự kiện tiêu biểu năm 2015